Lượt xem: 2349

Hòa thượng Thạch Sông - góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer

Tuy không phải là người khởi xướng nhưng Hòa thượng Thạch Sông là người tiếp nối truyền thống tốt đẹp lâu đời của những vị trụ trì trước, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer.

 


Hòa thượng Thạch Sông học tập làm theo Bác qua việc góp phần “diệt giặc dốt”, dạy chữ Khmer cho học sinh trong dịp hè. Ảnh: Ngọc Diễm

 

    Nghiên cứu, tìm hiểu để học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Bác, Hòa thượng Thạch Sông - Trụ trì chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề cho biết, sinh thời Bác từng dạy rằng: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, nên phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng…”. Thực hiện theo lời dạy của Bác, từ khi bước chân vào cửa Phật đến lúc tiếp quản trụ trì chùa Bâng Tone Sa, Hòa thượng Thạch Sông luôn giữ gìn và phát huy truyền thống “Tốt đời, đẹp đạo”.

    Năm 2004, Hòa thượng Thạch Sông chính thức tiếp quản làm Trụ trì chùa Bâng Tone Sa. Phát huy truyền thống thế hệ trước, Hòa thượng tiếp tục mở rộng quy mô dạy chữ Khmer. Hiện nay, 4 ấp của xã Viên An đều được Hòa thượng vận động xây dựng salatel với các phòng học khang trang, đây còn là điểm sinh hoạt cộng đồng, là mái nhà chung của đồng bào Khmer. Những năm trước vào dịp hè có khoảng 300 học sinh theo học chữ Khmer, học về phật pháp, về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời chùa còn tặng tập để khuyến khích, động viên tinh thần hiếu học.

    Hòa thượng Thạch Sông cho biết, do cuộc sống còn khó khăn, một số gia đình đồng bào Khmer có ý định cho con nghỉ học để phụ làm. Biết được điều này, hòa thượng đã tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho các em được tiếp tục đến trường. Riêng năm 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên chùa tạm dừng dạy chữ Khmer trong hè tại chùa. “Trong chiến tranh khó khăn như thế nào, Bác Hồ còn đặt nhiệm vụ diệt giặt dốt lên hàng đầu, giờ thời bình chúng ta càng phải thực hiện tốt lời Bác dạy” - Hòa thượng Thạch Sông lý giải.

    Thấm nhuần lời dạy của Bác đối với Phật giáo “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”, Hòa thượng Thạch Sông luôn chung tay, góp sức làm nhiều việc có ích cho xã hội. Mỗi năm, hòa thượng trích một khoản kinh phí của nhà chùa để hỗ trợ người nghèo, đồng bào gặp thiên tai, gia đình nghèo có tang sự… Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nhận nuôi một người già neo đơn tại địa phương và hỗ trợ hằng tháng sinh viên nghèo đang học tại Trường Đại học Cần Thơ... Vận động bà con xóa bỏ phong tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, đón lễ, tết tiết kiệm, an toàn, nhờ vậy mà bản sắc dân tộc tiếp tục được phát huy.

    Tuy không phải là người khởi xướng nhưng Hòa thượng là người tiếp nối truyền thống tốt đẹp lâu đời của những vị trụ trì trước, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. Phát huy tốt truyền thống hàng trăm năm, để ngôi chùa Bâng Tone Sa mãi mãi là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh lành mạnh, nơi tập trung giúp mọi người gần nhau hơn, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp. Hòa thượng là một trong những gương điển hình được UBND huyện khen thưởng vì có những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngọc Diễm



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 54
  • Trong tuần: 70,481
  • Tất cả: 11,802,488